Hơn 40 Blog. Hơn 300 Nhà thơ nổi tiếng Thế giới và những Lời chúc – Giai thoại – Chuyện tình hay nh

Thứ Năm, 2 tháng 8, 2018

Giới thiệu "Lời chúc rượu"


LỜI CHÚC RƯỢU

Lời chúc rượu (tiếng Anh: toast) là những lời nói trước khi chạm cốc và uống rượu trong những dịp lễ, hội, trong những cuộc gặp gỡ chính thức cũng như những cuộc gặp mặt, cuộc vui trong đời sống thường nhật. Lời chúc bao gồm lời đề nghị nâng cốc chào mừng khách quý, về nguyên nhân dẫn đến cuộc gặp và thường là chúc nhau sức khỏe, hạnh phúc, thành đạt... Trong lời đáp, khách bày tỏ lòng cảm ơn về sự mến khách của chủ, về việc tạo điều kiện để có buổi gặp mặt và tin tưởng vào sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Nói lời chúc là nét văn hóa, một truyền thống của hầu hết mọi nền văn hóa từ Đông sang Tây.

Lịch sử lời chúc rượu
Lời chúc rượu có từ thời Hy Lạp cổ đại. Theo quan niệm từ xưa, con người ta ẩm thực bằng ngũ quan (thị giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và thính giác). Khi ta uống rượu thì sắc rượu mắt đã nhìn, hương rượu mũi đã ngửi, vị rượu lưỡi đã nếm, dáng rượu tay đã sờ… nhưng thanh rượu tai chưa nghe, chúng ta chạm cốc và rượu sẽ phát ra âm thanh của nó. Cũng là một chiếc cốc ấy nhưng với những loại rượu khác nhau, người ta sẽ nghe ra những “tiếng nói” khác nhau. Ở Anh xưa nay, một số loại rượu chỉ uống với những lời chúc và nếu như ai đã nói lời chúc thì phải uống cạn. Những lời chúc phụ nữ, người châu Âu thường thích nói bằng tiếng Pháp.

Việt Nam không phải là dân tộc có truyền thống nói lời chúc rượu nhưng từ xa xưa người Việt đã có câu “Chén tạc, chén thù”. Chủ chúc là “tạc”, khách chúc đáp lễ là “thù”. Ngoài ra, trong các cuộc vui, người Việt thường đọc thơ, bình thơ, thả thơ... Ca dao Việt Nam có hàng trăm câu nói về việc thưởng rượu. “Bầu rượu, túi thơ”, “bầu rượu, nắm nem” là những hình ảnh đẹp của văn học cổ. Kiệt tác Truyện Kiều là một tác phẩm đề cập đến chuyện uống rượu nhiều nhất. Ngoài ra, tiếng Việt có hàng ngàn bài thơ và giai thoại về các nhà thơ và rượu.

*Omar Khayyam của Ba Tư trung cổ viết:
Em yêu ơi ai biết được ngày mai
Ta hãy quên phiền muộn dưới trăng này
Uống đi em kẻo một ngày nào đó
Trăng lại về còn ta đã xa bay.

*William Shakespeare (trong vở Henry VIII, màn 1, cảnh 4) viết: Good company, good wine, good welcome, make good people (Có bạn hiền, có rượu ngon, có lòng mến khách thì sẽ làm cho mọi người hân hoan, dễ chịu).

*Nhớ bạn, nhớ rượu, Nguyễn Khuyến viết:
Rượu ngon không có bạn hiền
Không mua không phải không tiền không mua.

*Nguyễn Du, qua lời của Thúy Kiều, chúc:
Chén vui nhớ buổi hôm nay
Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau.

*Nhà thơ Trần Huyền Trân chia sẻ:
Rồi lên ta uống với nhau
Rót đau lòng ấy vào đau lòng này.


*Phó Tổng thống Joe Biden chúc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời.
Một tình yêu đã không thành như buổi đầu mong ước. Đã xảy ra biết bao nhiêu giết chóc và hủy diệt, bao nhiêu khổ đau và nước mắt, bao nhiêu cay đắng và khủng khiếp, bao nhiêu buồn vui và tan hợp… nhưng trời còn để có ngày xảy ra cái điều phải xảy ra như một điều kỳ diệu vẫn từng có ở cuộc đời:
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa.

*Tổng thống Barack Obama chúc người Việt Nam:
Tôi được biết dân tộc Việt Nam luôn lấy nguồn cảm hứng từ Hoa Sen bởi lẽ Hoa Sen mọc từ trong bùn, đầy gian khó nhưng nó chính là biểu tượng của hy vọng. Nó sống và vươn lên ở những nơi mà các loại hoa khác không thể tồn tại vì thế nó là biểu tượng của sức mạnh và sự can trường. Nó toả hương và khoe sắc vì vậy nó chính là biểu tượng cho cái đẹp.
Tôi đề nghị nâng cốc chúc cho dân tộc Việt Nam với tất cả những phẩm chất của Hoa Sen.


Nghi thức cơ bản:
Trong các buổi tiếp đón, chiêu đãi chính thức, lời chúc thường được nói sau khi đã dùng món khai vị, khi đã rót rượu Champagne – thường là khoảng 10–15 phút sau khi buổi tiệc bắt đầu. Một số trường hợp ngay từ đầu và thường là không chạm cốc, nếu chạm cốc thì đàn ông luôn để cốc của mình thấp hơn cốc của phụ nữ. Trong khi nghe lời chúc thì không nói chuyện, không rót rượu, không đốt thuốc. Người nói lời chúc thường là đứng, tất cả mọi người giữ cốc rượu trong tay và cũng thường là đứng. Đối tượng cuà lời chúc, nếu không phải là Tổng thống hay Chủ tịch nước thì thường là sẽ chúc đáp lại. Phụ nữ, nếu không phải là cô dâu, thì thường là tiếp nhận lời chúc bằng cách mỉm cười, ngồi và đôi mắt nhìn xuống trong khi tất cả đều đứng. Phụ nữ giữ cốc rượu trong tay mình và chưa uống, một khi tất cả chưa uống hết. Trong trường hợp ngược lại sẽ được coi là người không khiêm tốn.

Những lời chúc rượu quan trọng hướng đến những nhân vật quan trọng thường là uống hết 100 phần trăm. Trong những buổi tiệc long trọng, đôi khi người ta uống xong, ném cốc vào đá hoặc ném xuống sàn nhà. Nói chung, từ chối uống rượu để chúc cho ai đấy, được hiểu là thiếu tôn trọng đối với người này. Nếu một người không thể uống được thì cũng nên làm ra vẻ như mình đang uống. Cốc nước lã thì không được nói lời chúc, mặc dù vua Gustav II Adolf của Thụy Điển đã từng cho phép làm điều này.

Lời chúc rượu trong đời sống hiện đại:
Lời chúc rượu của người ngày nay không quá ư lịch thiệp, cao đàm khoát luận như người xưa mà, hoặc là ngắn gọn hơn, hoặc là tính vui nhộn nhiều hơn. Trong những cuộc vui, người nói lời chúc rượu có thể là đọc một câu thơ, một câu danh ngôn hoặc là kể một câu chuyện vui, một tình huống vui nhộn nào đấy để làm cái cớ bắt vào lời chúc. Nói chung, tính chất nghiêm túc hay vui nhộn của lời chúc phụ thuộc vào tình huống của cuộc vui và đối tượng mà lời chúc hướng đến.
  

Lời chúc rượu qua một số ngôn ngữ:
Tiếng Anh: Cheers!
Tiếng Pháp: Santé! và Tchin!
Tiếng Nga: Vashe zdorovie!
Tiếng Hán: 乾杯 (Hán tự phồn thể)/ 干杯 (Hán tự giản hoá), phanh âm: gānbēi, 
phiên âm Hán Việt: can bôi.
Tiếng Nhật: 乾杯, chuyển tả Latin: kanpai, phiên âm Hán Việt: can bôi.
Tiếng Hàn: 건배, chuyển tả Latin: geonbae, chữ Hán: 乾杯, phiên âm Hán Việt: can bôi.
Tiếng Đức: Prost! (Prosit!)
Tiếng Ý: Salute! và: Cin cin!
Tiếng Tây Ban Nha: Salud!
Tiếng Bồ Đào Nha: Saúde! (Brazil: Tin tin!)
Tiếng Ba Lan: (Na) zdrowie!
Tiếng Thái: Chokdee!
Tiếng Hindu: Mubarik!
Tiếng Tagalog (Philippin): Mabuhay!
Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Serefe!
Tiếng Uốc-đu (Pakistan): Djam!
Tiếng Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch: Skål!
Tiếng Hy Lạp: Ya mas!
Tiếng Phần Lan: Kippis
Tiếng Rumani: Noroc!
Tiếng Việt: dô (còn được viết là "dzô"). Trong phương ngôn tiếng Việt Nam Bộ được nói là /jo/. Từ này được phương ngôn tiếng Việt Bắc Bộ vay mượn nhưng thay phụ âm /j/ không có trong phương ngôn tiếng Việt Bắc Bộ bằng phụ âm /z/, phát âm là /zo/.


Nâng cốc chúc mừng ai, việc gì… (nguyên ngữ):
Tiếng Anh: to drink ceremonially in honour of (someone or something)
Tiếng Ả Rập: يَشرَب نَخْب
Tiếng Hán: 为…举杯祝酒 (為…舉杯祝酒)
Tiếng Nhật:乾杯する
Tiếng Pháp: porter un toast (à)
Tiếng Nga: поднимать тост за (кого-л., что-л.)
Tiếng Tây Ban Nha: brindar (por), beber a la salud (de)
Tiếng Đức: trinken auf
Tiếng Ba Lan: wznosić toast
Tiếng Bồ Đào Nha: brindar
Tiếng Hàn: 건배하다
Tiếng Hy Lạp: πίνω στην υγεία κπ., κάνω πρόποση
Tiếng Hungari: iszik (vki) egészségére
Tiếng Iceland: skála, drekka skál
Tiếng Indonesia: menyulang
Tiếng Séc: připít (si)
Tiếng Đan Mạch, Na Uy: skåle (for)
Tiếng Thụy Điển: skåla för
Tiếng Hà Lan: toosten op
Tiếng Phần Lan: kohottaa malja
Tiếng Rumani: a toasta (pentru, *în cinstea)
Tiếng Slovak: pripiť
Tiếng Xlôven (Nam Tư): nazdraviti komu
Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: şerefe, *sağlığa içmek
Tiếng Việt: Xin mời nâng cốc chúc…

Phần dưới đây là 1500 lời chúc chia làm nhiều tập. Đề tài của lời chúc là cuộc sống với những biểu hiện muôn mặt. Trong tập đầu, chúng tôi tạm chia làm 3 chủ đề, đó là “Những lời chúc tình yêu” và những đối tượng của nó – “Đàn ông” và “Phụ nữ”. Phần phụ lục tên riêng xếp theo vần ABC, họ tên của người Phương Đông xếp theo chữ cái đầu tiên. Hy vọng qua những tập lời chúc này, mỗi người đều có thể tìm thấy những lời chúc mà mình yêu thích. Chúng tôi chúc bạn tìm được niềm vui cho mình và cho người mà bạn muốn dành cho lời chúc!

                                                            Người biên soạn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét